Khắc phục nạn đói Nạn đói Nga 1921

Chính sách nông nghiệp mới

Để chống đói, nhà nước đã huy động tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, công đoàn, tổ chức thanh niên, Hồng quân tham gia cày cấy. Theo một nghị định của Ủy ban Điều hành Trung ương Liên Xô toàn Nga ngày 18 tháng 6 năm 1921, Ủy ban Trung ương Cứu trợ đói khát (Ủy ban Trung ương Pomgol) được thành lập như một tổ chức có quyền lực khẩn cấp trong lĩnh vực cung cấp và phân phối thực phẩm. Nó được lãnh đạo bởi Chủ tịch Ủy ban Điều hành Trung ương toàn Nga, M. I. Kalinin. Vào tháng 5 và tháng 6 năm 1921, Lenin đã ra lệnh mua thực phẩm ở nước ngoài, chính phủ đã mua ở nước ngoài khoảng 1 triệu tấn sản phẩm bột mì, trị giá 92,6 triệu rúp vàng. Vào ngày 9 tháng 2, nước Nga Xô viết đã phân bổ cho việc mua thực phẩm chỉ ở Hoa Kỳ với số tiền khoảng 12 triệu 200 nghìn đô la. Trong hai năm, lượng thực phẩm trị giá 13 triệu đôla đã được mua chỉ riêng ở Hoa Kỳ.

Năm 1921, khó khăn lớn nhất mà Nhà nước Nga Xô viết vấp phải là thiếu lương thực. Vì vậy, Lenin đề ra thuế lương thực với mục đích là “biện pháp cấp tốc cương quyết nhất, cấp thiết nhất để cải thiện đời sống của người nông dân và nâng cao lực lượng sản xuất của họ". Tác dụng kích thích của thuế lương thực đối với nông dân sản xuất là ở mức thuế thấp. Mức thuế lương thực đã được giảm xuống thấp hơn mức trưng thu gần 1/2, thủ tục thuế được đơn giản hoá. Từ tháng 5/1923 thực hiện thuế đồng nhất với hình thức hỗn hợp bằng tiền tệ hoặc hiện vật tuỳ theo sự lựa chọn của nông dân, còn từ năm 1924, hình thức tiền tệ của thuế là chủ yếu. Mức thuế có phân biệt đối với các bộ phận nông dân: đối với bần nông thì thu thuế bằng 1,2% thu nhập, trung nông thu 3,5% thu nhập còn đối với phú nông thì thu 5,6% thu nhập. Do mức thuế thấp nên năm 1921, nhà nước chỉ thu được 240 triệu pút lúa mỳ so với 423 triệu pút trưng thu trước đây. Nhưng để bù lại, do nông dân hăng hái sản xuất, mở rộng diện tích nên tổng sản lượng lương thực của xã hội và các nông sản khác đã tăng lên[6]

Ngay trong năm 1921, vụ thuế lương thực đầu tiên đạt 90% (mặc dù bị hạn hán và nạn đói nghiêm trọng); từ năm 1922 đến năm 1925, sản lượng lương thựcđã tăng từ 56,3 triệu tấn lên 74,7 triệu tấn, nông nghiệp được phục hồi và phát triển, kéo theo sự khôi phục của công nghiệp, thương nghiệp và giao thông vận tải, tình hình chính trị - xã hội dần dần được ổn định[7]

Cứu trợ của Mỹ và châu Âu

Theo nhà báo Cynthia Heaven, những người bị đói buộc phải ăn "cỏ trộn với xương nghiền, vỏ cây, đất sét, ăn thịt đủ loại sinh vật từ ngựa, chó, mèo, chuột cho đến cả rơm trên mái nhà. Chính phủ đã phải nỗ lực ngăn chặn nạn bán thịt người và cắt cử canh gác tại các nghĩa trang để ngăn chặn việc đào mồ"[8]. Cơ quan Cứu trợ Mỹ (ARA) đề nghị giúp đỡ, nhưng ban đầu Lenin đã từ chối và coi rằng đó là hành động nhằm "can thiệp vào nội bộ nước Nga Xô viết"[9]. Nạn đói đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn, nhà văn Nga Maxim Gorky đã phải lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Vào tháng 12 năm 1921, Quốc hội Mỹ đã thông qua một gói cứu trợ trị giá 20 triệu USD bao gồm các loại hạt giống ngô và lúa mì gửi tới Nga để giúp chính phủ Nga Xô viết giải quyết nạn đói[8]. Sau đó Mỹ cũng đạt được một thỏa thuận với Chính phủ Nga về việc cung cấp lương thực cho hàng triệu người Nga ở những vùng bị đói.

Hơn mười triệu người Nga ở những vùng bị đói đã được cung cấp các bữa ăn hàng ngày thông qua chương trình cứu trợ này, với phần lớn thực phẩm cứu trợ đến từ ARA. ARA đã cung cấp hơn 768 triệu tấn bột, ngũ cốc, gạo, đậu, thịt lợn, sữa và đường, với giá trị tại thời điểm hiện nay lên tới hơn 98 triệu USD . Để vận chuyển thực phẩm tới Nga và sau đó phân phối cho người dân, ARA đã sử dụng 237 con tàu, dưới sự chỉ đạo của 200 người Mỹ và với sự giúp đỡ của 125.000 người Nga trong mọi công việc như dỡ hàng, nhập kho, kéo, cân, nấu ăn và phục vụ bữa ăn.[10][11]

Nhưng ngay cả sau khi thực phẩm đã đến tay những người dân Nga, Đại tá Haskell, đã thông báo cho Tổng thống Hoover về một mối nguy hiểm mới bất ngờ. Ông thấy rằng người Nga không có nhiên liệu để sưởi ấm hoặc nấu ăn, và hàng triệu nông dân Nga có quần áo chủ yếu là vải vụn, điều này sẽ dẫn đến rất nhiều cái chết do tiếp xúc với cái lạnh trong mùa đông đang đến gần. [12]

Những đứa trẻ có nguy cơ tử vong cao nhất là những đứa trẻ trong các cô nhi viện, vì chúng thường chỉ có duy nhất một bộ quần áo, thường được làm từ bao tải bột mì, và chúng thiếu giày, vớ, quần áo lót hoặc bất kỳ thứ quần áo nào khác để giữ ấm. Bên cạnh đó là những đứa trẻ sống ở nhà với cha mẹ, chúng cũng thiếu quần áo, khiến chúng không thể ra ngoài trời trong thời tiết khắc nghiệt để đến nhận thực phẩm từ các nhà bếp cứu trợ của Mỹ. Đại tá Haskell đã nói với Tổng thống Hoover rằng ít nhất một triệu trẻ em Nga đang rất cần quần áo. Đáp lại, Hoover đã nhanh chóng khởi xướng một kế hoạch thu thập và gửi các gói quần áo đến Nga, số quần áo này đến từ sự đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng Mỹ. [12]

Nhu cầu y tế cũng là tối quan trọng. Theo ghi nhận của bác sĩ Henry Beeuwkes, trưởng phòng y tế ở Nga, chương trình viện trợ của Mỹ đã cung cấp vật tư y tế cho 16.000 bệnh viện ở Nga, lúc ấy đang điều trị cho tổng cộng hơn một triệu người mỗi ngày [10][13]. Theo bác sĩ Beeuwkes, cơ sở hạ tầng y tế ở Nga hết sức nghèo nàn, mọi thứ đều thiếu thốn, kể cả giường, chăn, ga trải giường, và hầu hết các dụng cụ y tế và thuốc men. Các hoạt động cứu chữa trong các phòng phẫu thuật được tiến hành mà không cần gây mê và thường bằng tay không. Những vết thương được băng bó bằng giấy báo hoặc giẻ rách. Nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm với phần lớn hệ thống ống nước không sử dụng được.

ARA đã phân phối vật tư y tế bao gồm hơn 2.000 loại nhu yếu phẩm khác nhau, từ thuốc men đến dụng cụ phẫu thuật cho các cơ sở khám chữa bệnh ở Nga [10][14]. Theo bác sĩ Shapiro, khi ARA rời khỏi Nga vào năm 1923, sau hai năm nỗ lực cứu trợ, "người Nga đã thoát khỏi nạn đói và cái chết. Tôi có thể khẳng định mà không hề khoe khoang rằng không có tổ chức cứu trợ nào hoạt động nỗ lực đến như vậy để hoàn thành nhiệm vụ của họ." [15]

Vào tháng 5 năm 1922, Lev Kamenev, Chủ tịch hội đồng Xô viết Moscow, kiêm phó chủ tịch ủy ban cứu trợ nạn đói của Nga, đã viết một lá thư gửi cho Đại tá Haskell, cảm ơn ông và ARA vì sự giúp đỡ của họ, đồng thời bày tỏ lòng kính trọng đối với người dân Mỹ.[16]:"Chính phủ của quốc gia Nga sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ hào phóng đã dành cho họ trong thảm họa và hiểm nguy khủng khiếp đã đến với họ ... Tôi muốn bày tỏ thay mặt cho chính phủ Liên Xô, sự hài lòng của tôi và cảm ơn Cơ quan Cứu trợ Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ đáng kể mà các bạn đã đem tới cho những người dân bị ảnh hưởng bởi nạn đói ở khu vực Volga".

Trong vòng hai năm nay, hai trăm người Mỹ ít ỏi, trên một chiến trường còn ác liệt hơn cả mặt trận phía tây, đã chiến đấu kiên cường với một kẻ thù tàn nhẫn hơn bất kỳ kẻ thù nào mà quân đội Đồng minh phải đối mặt. Từ Baltic đến Biển Caspi, từ Crimea đến Urals, họ đã chinh phục được nạn đói, cứu nhiều mạng sống hơn cả số mạng sống đã bị tước đoạt trong cuộc Chiến tranh Thế giới, họ đã chữa lành cho những người đang vô cùng đau khổ bởi căn bệnh đang đe dọa càn quét toàn bộ Châu Âu, họ đã giành được những lời khen ngợi của một quốc gia vĩ đại, nhưng đang gặp khó khăn, họ đã làm nên cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại!

W. Howard Ramsey, nhà báo Mỹ[10][17]

Vào mùa hè năm 1923, người ta ước tính rằng khoản cứu trợ của Hoa Kỳ dành cho Nga gấp hơn hai lần tổng số tiền cứu trợ được cung cấp bởi tất cả các tổ chức nước ngoài khác cộng lại. [18] Các cơ quan châu Âu do ICRR phối hợp cũng góp phần nuôi sống hai triệu người Nga mỗi ngày, trong khi Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế nuôi sống khoảng 375.000 người mỗi ngày. Hoạt động cứu trợ rất nguy hiểm - một số nhân viên cứu trợ đã chết vì dịch tả - và không phải không có sự chỉ trích , bao gồm tờ London Daily Express, lần đầu tiên phủ nhận mức độ nghiêm trọng của nạn đói, và sau đó lập luận rằng tiền cứu trợ sẽ được sử dụng tốt hơn ở Vương quốc Anh.

Trong suốt năm 1922 và 1923, khi nạn đói vẫn còn lan rộng và ARA vẫn đang cung cấp hàng cứu trợ, một lượng lớn ngũ cốc đã được chính phủ Liên Xô xuất khẩu để gây quỹ cho quá trình công nghiệp hóa; điều này ảnh hưởng nghiêm trọng cho hoạt động cứu trợ của phương Tây [19][20].

Nhà văn Maxim Gorky đã viết một lá thư vào tháng 7/1922 để cảm ơn khoản viện trợ từ nước Mỹ: "Sự giúp đỡ của các bạn sẽ đi vào lịch sử như là một chiến thắng đáng giá, một thành tựu vĩ đại và duy nhất, sẽ còn mãi trong ký ức của hàng triệu người Nga đã được các bạn cứu khỏi cái chết [21]

Diễn biến liên quan

Những người Bolshevik đã bắt đầu một chiến dịch quốc hữu hóa tài sản của nhà thờ Chính thống giáo vào năm 1922. Trong năm đó, một lượng tài sản hơn 4,5 triệu rúp vàng của Giáo hội Chính thống đã bị tịch thu. Trong đó, có hơn một triệu rúp vàng đã được sử dụng để cứu trợ nạn đói, còn lại được sung vào ngân sách nhà nước[22]. Trong lá thư bí mật của Lenin gửi Bộ Chính trị, Lenin giải thích rằng nạn đói đem tới một cơ hội để trấn áp thế lực của Giáo hội. Richard Faucet lập luận rằng nạn đói đã được sử dụnh như một cái cớ để giới lãnh đạo Bolshevik đàn áp Giáo hội Chính thống, tổ chức có ảnh hưởng lớn đến đa số quần chúng nông dân.[23]

Ngày 30 tháng 9 năm 1921, tại một cuộc họp của Hội Quốc liên tại Geneva, Tiến sĩ Fridtjof Nansen cáo buộc chính phủ của các quốc gia thành viên của Hội Quốc liên (với nòng cốt là Anh, Pháp, Nhật) muốn giải quyết vấn đề Bôn-sê-vích ở Nga thông qua nạn đói và cái chết của 20 triệu người. Ông lưu ý rằng các đề nghị hỗ trợ 5 triệu bảng cho nước Nga (chỉ bằng một nửa chi phí để đóng 1 tàu chiến) vẫn chưa được chính phủ các nước châu Âu trả lời. Và bây giờ, khi Hội Quốc liên thông qua nghị quyết, nghị quyết này chỉ nói rằng cần phải "làm gì đó" cho nước Nga, nhưng từ chối thực hiện các biện pháp cụ thể. Hơn nữa, đại diện của Vương quốc Nam Tư còn đề xuất một nghị quyết đổ tất cả trách nhiệm cho nạn đói lên chính phủ Nga và còn tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không đưa một xu cho những kẻ đến từ Moscow... về hai tệ nạn - nạn đói và chủ nghĩa bôn-sê-vích, tôi coi điều sau là tồi tệ nhất". Theo phóng viên, các phái đoàn khác cũng có ý kiến ​​tương tự, nhưng họ đã bày tỏ nó dưới câu từ mềm mỏng hơn[24].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nạn đói Nga 1921 http://www.paulbogdanor.com/left/soviet/famine/ell... http://news.stanford.edu/news/2011/april/famine-04... //www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/7953492 http://www.volgagermans.net/volgagermans/Volga%20F... //dx.doi.org/10.1080%2F09668130701291899 //dx.doi.org/10.1111%2Fj.1467-7717.1994.tb00309.x http://www.hoover.org/publications/digest/6731711.... http://www.marxists.org/archive/trotsky/works/1930... http://www.pbs.org/wgbh/americanexperience/films/f... http://dhktna.edu.vn/tai-nguyen-hoc-tap/chinh-sach...